Bạn có từng tưởng tượng mình sẽ điều khiển cả hệ thống nuôi tôm cá chỉ bằng chiếc điện thoại? Hoặc làm một nhà khoa học trẻ tìm ra công thức thức ăn giúp cá, tôm tăng trưởng nhanh hơn, hay lai tạo ra giống cá cảnh có màu sắc rực rỡ hơn, hay bào chế loại thuốc điều trị bệnh cho tôm, cá?
Tại Trường Đại học Nha Trang, điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Khi trở thành sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy sản, bạn không chỉ học kỹ thuật nuôi tôm, cá, trồng rong biển mà bạn còn được tiếp cận với công nghệ hiện đại, được thử nghiệm những ý tưởng mới, và quan trọng nhất: trở thành một phần của thế hệ trẻ đang góp phần kiến tạo ngành thủy sản xanh – sạch – bền vững cho Việt Nam và thế giới.
⦁ Sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy sản nghiên cứu gì và làm được gì?
- Biến ao nuôi thành phòng thí nghiệm nuôi dưỡng tảo và động vật nhỏ làm thức ăn cho tôm cá, thử nghiệm công thức thức ăn công nghiệp, phân tích môi trường nước để theo dõi sức khỏe cá, tôm...

Sinh viên Ngành Nuôi trồng Thuỷ sản tham gia nghiên cứu thức ăn tự nhiên cho tôm, cá
- Tham gia đề tài thật – giải quyết vấn đề thật: Nhiều sinh viên được hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cùng với các giảng viên, sinh viên được tham gia các đề tài NCKH cấp Bộ/Tỉnh, các dự án hợp tác quốc tế hoặc các nghiên cứu phối hợp với doanh nghiệp để giải quyết các thách thức trong thực tiễn.

Sinh viên Ngành Nuôi thuỷ sản tham gia nghiên cứu vaccin cho cá và kiểm tra sức khoẻ cá
- Kết nối với nhà khoa học và doanh nghiệp: Sinh viên được làm việc trực tiếp với các giảng viên là chuyên gia đầu ngành, thực tập tại các Trương/Viện, Trung tâm nghiên cứu và các Công ty trong ngành thủy sản.

Sinh viên tham gia trong đề tài nghiên cứu sản xuất và lai tạo giống cá Nemo
⦁ Tham gia nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên đạt được các giá trị gì?
- Nghiên cứu khoa học – chiếc chìa khóa mở ra tương lai rộng mở: Tham gia nghiên cứu khoa học không chỉ là một trải nghiệm học thuật mà còn là cơ hội giúp sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy sản phát triển toàn diện cả về tư duy và kỹ năng nghề nghiệp. Thông qua quá trình nghiên cứu, sinh viên được rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và khả năng sáng tạo giải pháp – những năng lực cốt lõi mà mọi nhà tuyển dụng đều đánh giá cao.
Bên cạnh đó, làm nghiên cứu khoa học và tham gia NCKH cũng là điểm cộng trong hồ sơ xin học bổng, thực tập hay du học – thực tế cho thấy nhiều sinh viên đã thành công nhờ các công trình nghiên cứu từ thời đại học. Đặc biệt, khi chính bạn thực hiện các thí nghiệm, chứng kiến kết quả tạo ra giá trị thực tiễn, bạn sẽ cảm nhận được cảm hứng và đam mê khoa học một cách rõ rệt.
Quan trọng hơn hết, sinh viên ngành NTTS không chỉ học đại học để lấy bằng, mà đang thực sự góp phần thay đổi ngành thủy sản theo hướng xanh – sạch – bền vững, tạo ra tác động tích cực cho xã hội và môi trường.

Sinh viên Ngành Nuôi trồng thuỷ sản tích cực tham gia và đạt các giải thưởng cao tại Hội nghị Khoa học các cấp
Trang bị hiện đại – hỗ trợ đam mê nghiên cứu:
Để nuôi dưỡng đam mê khoa học và sáng tạo của sinh viên, Trường Đại học Nha Trang đã đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập, thực hành và nghiên cứu. Sinh viên ngành Nuôi trồng Thủy sản được thực hành, thực tập và làm thí nghiệm trong các phòng thí nghiệm chuyên sâu, với thiết bị hiện đại phục vụ các lĩnh vực như công nghệ sinh học phân tử, vi sinh, dinh dưỡng...
Ngoài ra, trường còn có các Trại thực nghiệm NTTS nước ngọt, lợ – mặn, nơi sinh viên được theo dõi trọn vẹn vòng đời của cá, tôm...từ giai đoạn ấu trùng đến khi trưởng thành. Bên cạnh đó, không gian sáng tạo mở được thiết kế để hỗ trợ sinh viên thực hiện các đề tài cá nhân, hoạt động nhóm nghiên cứu và thử nghiệm mô hình nuôi mới – đây là nơi ươm mầm những ý tưởng đột phá, khởi nguồn cho nhiều dự án tiềm năng.
Từ nền tảng vững chắc này, sinh viên sau khi tham gia nghiên cứu sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở: trở thành kỹ sư tại các trại sản xuất giống, nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản trong và ngoài nước; làm chuyên viên R&D, cán bộ kỹ thuật môi trường, cán bộ nghiên cứu tại các Viện, Công ty công nghệ sinh học; hoặc tiếp tục theo đuổi con đường du học bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Úc...
Không ít sinh viên ngành NTTS đã chọn khởi nghiệp từ chính đề tài nghiên cứu khoa học của mình, như sản xuất vi sinh từ tỏi đen, thiết kế hệ thống nuôi tuần hoàn hay phát triển sản phẩm từ tảo – những ý tưởng vừa mang tính khoa học, vừa có giá trị thực tiễn cao.
Biển đang chờ bạn. Khoa học đang chờ bạn. Và tương lai cũng đang chờ bạn – ngay khi bạn chọn bắt đầu từ ngành Nuôi trồng Thủy sản.
Lê Thành Cường – Viện Nuôi trồng Thủy sản
👉 Tìm hiểu thêm tại Fanpage: Viện Nuôi trồng Thủy sản - Institute of Aquaculture, NTU, Vietnam.
📞 Hotline tư vấn tuyển sinh: 0905 265 931
🌐 Website: https://tuyensinh.ntu.edu.vn/
Xin mời đón đọc bài viết tiếp theo trong chuỗi bài giới thiệu về ngành Nuôi trồng Thủy sản của Trường ĐH Nha Trang tại: https://vienntts.ntu.edu.vn/